Bùi Chu - Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Làng Bùi Chu xa xưa cách đây vào khoảng trên dưới 1000 năm, từ khi các cụ tổ họ Đỗ - họ Vũ đến khai phá vùng đất ven sông Ninh Cơ đến khi lập làng nơi đây, là một vùng đất nổi lên sát bờ sông chạy dài khoảng hơn 1km, rộng chừng 700m2, được mở rộng khi triều xuống và bị thu hẹp khi triều lên. Khi hình thành làng, các cụ đã tên cho làng này là Bùi Chu (còn gọi là kẻ Bùi) hay Bùi Châu, sau này thuộc phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
___
Bùi Chu từ xa xưa gồm thôn Bùi Chu, Phố Bùi Chu (xã Xuân Ngọc) và họ Thất Sự (xã Xuân Hồng).
Tổng diện tích làng Bùi Chu theo ranh giới tự nhiên là 240 mẫu Bắc Bộ:
- Diện tích dân cư: 95 mẫu.
- Diện tích ruộng lúa: 130 mẫu.
- Diện tích nghĩa địa: 15 mẫu.
Dân số làng Bùi Chu:
- Trước năm 1950: 1100 người.
- Sau năm 1954: 300 người.
- Năm 2007: 1048 người, trong đó nam giới 331 người, nữ giới 617 người, với 47 chi tộc họ Vũ và 18 chi tộc họ Đỗ và 15 dòng họ khác.
___
Sau nhiều biến cố lịch sử, đặc biệt sau biến cố 1954 cuộc di cư vào Nam, Bùi Chu có thêm nhiều người trong các dòng tộc khác đến sinh sống, đào sông lấp ruộng lập lên Phố Bùi Chu.
Con cháu Bùi Chu của các cụ Đỗ Đại Tổ - Vũ Đại Tông cũng đi khắp năm châu bốn bể để sinh sống làm ăn, có mặt tại nhiều nước trên thế giới cũng như các miền đất của Tổ quốc Việt Nam, khoảng trên 5000 người:
- Khu vực Tân Mai - Biên Hòa - Đồng Nai có trên 400 người.
- Tp Hồ Chí Minh có trên 1500 người.
- Tây Nguyên và miền Trung trên 300 người.
- Các tỉnh Việt Bắc trên dưới 500 người.
- Tại Tp Nam Định 200 người.
- Tại Đại Đồng,Giao Thủy 150 người.
- Tại Hà Nội trên 250 người.
- Người Bùi Chu ở nước ngoài: Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Hà Lan, Đan Mạch, Canada, Nhật Bản, Úc, Lào, Campuchia,... gần 2000 người, chưa kể các cháu học sinh sinh viên, nghiên cứu sinh đi du học hoặc làm việc ở nước ngoài.
___
Nhớ về Bùi Chu là nhớ về nhà thờ Chính Tòa Bùi Chu, ngôi nhà thờ mẹ của Giáo Phận được xây dựng trên đất Bùi Chu từ năm 1885, bên canh đó là núi đã nhân tạo giữa lòng hồ, cùng Đài La Vang, và Tòa Giám Mục Bùi Chu với chiếc kèn đồng nổi tiếng lớn nhất Đông Dương. Bùi Chu cũng là tên của cả giáo phận có bề dày lich sử là trung tâm công giáo Việt Nam được vinh dự đón nhận Tin mừng đầu tiên của nước Việt Nam vào tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533) đời Lê Trang Tông.
___
Làng Bùi Chu ngày nay chia làm 2 phần đất - Phố Bùi Chu và làng Bùi Chu cách nhau 1 cây cầu (cầu Bùi Chu).
Trước đây khi vào làng có các cổng làng: cổng Đông, cổng Tây, cổng Bắc. Ngày nay còn lại 2 cổng là cổng Đông và Cổng Bắc, cùng với các công trình văn hóa tôn giáo như Nhà Con Hổ, Nhà Dục Anh, Nhà Thương Xót, Nhà Dòng Đaminh, Nhà Chung Bùi Chu, Tòa Giám Mục Bùi Chu, các công trình văn hóa xã hội như Đình Làng Bùi Chu, trường Tiểu Học, trường THCS, UBND xã, Trạm y tế xã đã làm cho quang cảnh làng Bùi chu đẹp hơn, tự hào hơn.
_________________________
Trích: "Tập Nghi lễ- Nghi thức khánh thành Đình làng Bùi Chu" 05/2007, có chỉnh lý và bổ sung.